Cách lọc dầu ăn đã qua sử dụng tiết kiệm và an toàn

8290 lượt xem

Khi chế biến thực phẩm, đôi khi chúng ta sẽ để thừa một lượng dầu ăn sau khi nấu nướng thực phẩm. Nếu đổ đi ngay sau lần đầu sử dụng thì sẽ hơi lãng phí, nhưng nếu tiếp tục sử dụng thì lại không biết chắc liệu làm vậy có hại cho sức khỏe hay không. Nội dung bài viết này của Bảo Việt sẽ giải đáp vấn đề này, đồng thời mách bạn cách lọc dầu ăn đã qua sử dụng sao cho vừa tiết kiệm túi tiền, mà vẫn đảm bảo an toàn cho sức khỏe của cả gia đình.

Khi nào thì có thể tái sử dụng dầu ăn?

Lẽ dĩ nhiên, việc luôn sử dụng dầu mới sẽ là tốt nhất cho sức khỏe. Còn trong một số điều kiện, chúng ta có thể tái sử dụng dầu ăn để tránh lãng phí. Trước khi tìm hiểu cách lọc dầu ăn đã qua sử dụng, chúng ta sẽ cần tìm hiểu rõ trong trường hợp nào chúng ta có thể làm vậy.

Khi nào nên tái sử dụng dầu ăn
Trong trường hợp nào thì có thể dùng dầu ăn đã qua sử dụng?

Để biết được dầu có thể sử dụng lại hay không, chúng ta sẽ phải hiểu được thuật ngữ “điểm khói” của dầu ăn. Như chính tên gọi, thì đây là nhiệt độ mà dầu ăn sẽ bốc khói và phân hủy hợp chất. Loại dầu ăn nào có thông số điểm khói này càng cao thì càng có thể được tái sử dụng sau lần dùng đầu. Thông số điểm khói của các loại dầu ăn phổ biến hiện nay có thể kể đến như:

Loại dầu ăn Điểm khói
Mỡ lợn 182oC
Dầu cải 204oC
Dầu mè 210oC
Dầu oliu 216oC
Dầu hướng dương 227oC
Dầu đậu nành 232oC
Dầu cám gạo 254oC
Dầu trái bơ 271oC

Mỗi phương pháp chế biến thực phẩm sẽ sử dụng dầu ăn với mức nhiệt độ khác nhau. Có thể kể đến như các món xào sẽ sử dụng dầu ở nhiệt độ chỉ ở mức 120oC, trong khi con số này tăng vọt lên mức từ 160-180oC với các món chiên rán, và trên 180oC với các món đòi hỏi bạn nướng trong lò nướng.

Điểm khói của mỗi loại dầu sẽ quyết định khả năng tái sử dụng
Mỗi loại dầu ăn lại có điểm khói khác nhau

Nếu nhìn vào các thông số trong bảng thống kê điểm khói ở trên, thì có thể thấy đa phần các loại dầu ăn thông dụng hiện nay đều có thể tái sử dụng được. Tuy nhiên, việc tái chế dầu ăn hay không lại không chỉ phụ thuộc mỗi ở điểm khói của dầu. Bởi khi chế biến, dầu ăn sẽ bị ám mùi của các loại thực phẩm đã được chế biến trước đó. Những món ăn sử dụng dầu ăn cũ như vậy sẽ bị lẫn mùi, làm mất đi hương vị đặc trưng của món ăn. Vì thế, nên tránh tái sử dụng các loại dầu ăn đã được sử dụng cho việc chế biến các món sinh mùi nặng, hay sử dụng nhiều gia vị khi chế biến.

Trường hợp dầu đã được tái chế qua hai lần thì chúng ta nên đổ bỏ và sử dụng dầu mới. Nếu dầu vẫn có màu vàng, nhưng khi ngửi lại thấy mùi hôi, hoặc dầu đã để được vài ngày rồi thì cũng nên tránh sử dụng lại.

Những cách lọc dầu ăn đã qua sử dụng

Về cơ bản thì các cách lọc dầu ăn đã qua sử dụng đều hướng tới cùng một mục tiêu. Đó là loại bỏ các phần cặn hay vụn thức ăn rơi ra trong quá trình chế biến, hạn chế bớt mùi thực phẩm của lần chiên trước ảnh hưởng tới dầu chiên. Đáp ứng được hai yêu cầu này, dầu ăn sẽ sạch, trong và không ảnh hưởng tới chất lượng món ăn sử dụng dầu tái chế.

Cách lọc dầu ăn đã qua sử dụng bằng lưới lọc

Cách lọc dầu ăn bị đen đơn giản nhất chính là sử dụng lưới lọc. Có thể sử dụng giấy lọc dầu hoặc vải sạch để thay cho loại lưới lọc này. Việc bạn cần làm là đặt giấy lọc dầu/vải sạch lên trên rây, hoặc bọc lưới lọc kín miệng rây, bên dưới đặt sẵn một chiếc bát sạch. Sau đó, đổ phần dầu ăn vào trong rây. Các phần vụn thức ăn và cặn bẩn ở lần chiên trước sẽ bị mắc lại ở phần túi lưới. Dầu ăn chảy qua lớp lọc, xuống dưới bát sạch bên dưới sẽ chính là loại dầu đã được làm sạch mà bạn có thể tái sử dụng. Có thể phủ một ít trà xanh lên trên phần dầu được lọc để khử bớt mùi hôi của dầu.

Có thể dùng giấy lọc dầu
Có thể sử dụng lưới lọc hoặc giấy lọc dầu

Cách lọc dầu ăn đã chiên bằng bột năng

Để thực hiện phương pháp này, bạn sẽ cần hòa 1 thìa bột năng vào trong 100ml nước rồi khuấy đều để bột năng tan ra. Sau đó, cho chảo dầu lên bếp, bật bếp và đun nóng dầu. Đến khi dầu đã nóng thì cho hỗn hợp nước với bột năng vào trong chảo. Trong quá trình chiên, hãy nhớ để lửa nhỏ và dùng muôi đảo liên tục hỗn hợp bột năng cho đến khi hỗn hợp này đông lại.

Sử dụng bột năng để lọc dầu
Bột năng khi chiên sẽ hút hết cặn bẩn, giúp làm sạch dầu

Đến khi hỗn hợp bột năng đã nổi lên trên lớp dầu (thướng sau khoảng 10-12 phút) thì bạn tắt bếp, lấy đũa và gắp phần bột ra. Hỗn hợp bột năng có tác dụng hút hết các phần cặn bẩn trong lớp dầu, giúp trả lại lớp dầu sạch và trong. Để dầu sạch hơn nữa, bạn dùng rây lọc dầu thêm một lần. Sau đó, để dầu nguội dần và cho vào hộp thủy tinh kín để bảo quản.

Cách lọc dầu ăn bằng bột bắp

Cách làm này cũng tương tự như cách lọc dầu ăn bằng bột năng. Bạn đem trộn hỗn hợp của 1 thìa bột ngô và 60ml nước. Sau đó, làm tương tự các bước còn lại như cách dùng bột năng ở trên. Dầu cũng sẽ sạch và trong như mới.

Cách lọc dầu ăn bằng bột bắp
Sử dụng bột bắp để lọc dầu ăn

Cách tái chế dầu ăn bằng hành tây

Bạn hãy chuẩn bị sẵn một số loại đồ bao gồm: hành tây thái lát, chai thủy tinh dạng miệng nhỏ, phễu, giấy lọc dầu, giấy bạc. Đầu tiên, hãy bắc chảo dầu cần tái sử dụng và chiên sơ hành tây. Thành phần của hành tây có các chất giúp khử mùi, tránh làm đổi màu dầu ăn và giúp cho dầu có thể bảo quản được lâu hơn. Sau đó thì vớt hành tây ra, phần dầu thì để nguội dần.

Cách tái chế dầu ăn với hành tây
Hành tây có khả năng khử mùi cực tốt

Khi dầu đã nguội hẳn thì bạn đặt phễu vào miệng chai thủy tinh, lót lớp giấy lọc dầu trên miệng phễu rồi đổ dầu ăn vào. Những phần vụn, cặn sẽ bị giữ lại trên lớp giấy lọc, còn dầu sạch sẽ chảy vào trong chai thủy tinh. Việc sử dụng chai thủy tinh miệng nhỏ như vậy có mục đích là nhằm hạn chế không khí có thể lọt vào bên trong chai, vốn cũng là một nguyên nhân gây ảnh hưởng đến thời gian bảo quản dầu ăn.

Sau khi đã cho dầu vào chai thủy tinh, đóng nút chai lại, quấn lớp giấy bạc bên ngoài chai để tránh những ảnh hưởng của ánh nắng hay không khí đến dầu ăn. Tốt nhất là bạn nên cho chai thủy tinh chứa dầu này vào tủ lạnh. Mỗi lần cần sử dụng chỉ việc lấy ra, mở nút chai là được.

Cách tái sử dụng dầu ăn nhờ bếp chiên tách dầu

Đây là dòng bếp chiên nhúng được tích hợp công nghệ chiên dầu nước hiện đại. Để sử dụng, bạn sẽ đổ nước vào khoang chiên trước, sau đó đổ lớp dầu lên trên. Do dầu nhẹ hơn nước nên khi cho vào khoang chiên, lớp dầu sẽ nổi lên trên. Khi chiên rán, các phần cặn, vụn thực phẩm – những tác nhân gây đen dầu, sẽ rơi xuống lớp nước ở bên dưới. Còn thực phẩm sẽ vẫn được chiên ở lớp dầu bên trên, do trong khoang chiên có phần nắp chắn thanh nhiệt dạng đục lỗ, giúp ngăn không cho thực phẩm rơi xuống lớp nước bên dưới. Nhờ vậy mà dầu chiên sẽ vẫn sạch, trong, không bị lẫn mùi thực phẩm, và bạn có thể tiếp tục sử dụng dầu thêm vài lần nữa, tiết kiệm khá nhiều chi phí cho dầu ăn. Bạn có thẻ xem cụ thể thông tin các mẫu bếp tách dầu đang được Bảo Việt phân phối TẠI ĐÂY.

Sử dụng bếp chiên tách dầu
Sử dụng bếp tách dầu cho khả năng sử dụng dầu lâu dài hơn

Đặc biệt, Bảo Việt cũng đang cung cấp một mẫu bếp chiên lọc dầu với dung tích 24L. Đây là dòng sản phẩm với công nghệ hiện đại nhất hiện nay, khi tích hợp chức năng của cả một chiếc bếp chiên nhúng và một chiếc máy lọc dầu. Phần dầu ăn khi chiên xong sẽ được xả xuống phần lưới lọc bên dưới nhờ hệ thống van xả dầu. Lưới lọc sẽ giữ lại hết các cặn bẩn. Phần dầu ăn sau khi được lọc sẽ được máy bơm đẩy trở lại khoang chiên, giúp cho dầu ăn được lọc sạch hết vụn thức ăn, tiết kiệm dầu ăn đáng kể khi có thể chiên được nhiều lần hơn.

Bếp lọc dầu giúp tiết kiệm chi phí dầu
Mẫu bếp chiên lọc dầu cho khả năng tái sử dụng dầu hiệu quả

Những lưu ý khi tái sử dụng dầu ăn

Các cách lọc dầu ăn đã qua sử dụng đem lại hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt là với các cửa hàng bán đồ ăn. Tuy nhiên, sẽ có những nguyên tắc quan trọng mà bạn cần nắm được về việc tái sử dụng dầu:

  • Dầu ăn không được tái sử dụng quá 2 lần, vì lúc này dầu đã bị biến chất, gây hại cho sức khỏe của người dùng.
  • Dầu ăn sẽ bị mất đi độ ổn định sau mỗi lần tái sử dụng. Do đó, hãy cố gắng sử dụng hết lượng dầu này và không thêm dầu mới vào dầu tái chế khi chế biến thực phẩm.
  • Dầu đã được tái chế cần sử dụng sớm, tránh để lâu vì loại dầu này sẽ dễ bị hỏng hơn dầu mới.
  • Nếu bạn đã sử dụng dầu để chiên lượt đầu các loại thực phẩm có mùi nồng như cá, hải sản, các loại thực phẩm có gia vị, thì tránh tái sử dụng loại dầu này cho các loại thực phẩm khác. Vì mùi nồng từ những thực phẩm này sẽ làm thay đổi hương vị của các món ăn ở lần chiên rán tiếp theo.
  • Nếu lượng dầu còn lại sau khi chiên còn ít thì tốt nhất bạn nên bỏ để sử dụng dầu mới ở lần chiên tiếp theo.
  • Nếu khi chiên thấy dầu bốc khói thì hãy tránh sử dụng tiếp loại dầu này.
  • Tránh trộn lẫn các loại dầu ăn được chế biến từ nguồn gốc khác nhau. Ví dụ như dầu hướng dương và dầu đậu nành.

Với các cách lọc dầu ăn đã qua sử dụng trong bài viết này, hy vọng Bảo Việt đã giúp bạn tìm được những giải pháp hiệu quả để tiết kiệm dầu khi chiên. Tuy nhiên, chúng tôi không khuyến khích việc sử dụng dầu ăn đã qua sử dụng, khi sức khỏe của chúng ta là điều quan trọng nhất. Tốt nhất là chúng ta nên sử dụng dầu ăn mới sau mỗi lần chiên, vừa đem đến hương vị thơm ngon nhất cho món ăn, vừa tốt cho sức khỏe.

Đừng quên chia sẻ các bài viết nhé!

Xin chào, tôi là Linh Phùng, chuyên gia về máy chế biến - bảo quản thực phẩm, đồng thời là một người có niềm đam mê ẩm thực. Được thực hiện, áp dụng các công thức chế biến độc đáo và sử dụng các thiết bị hiện đại để giúp các đầu bếp thực hiện các món ăn ngày càng nhanh chóng và hấp dẫn hơn chính là khao khát lớn nhất của tôi
""

Tìm thêm

Để lại một bình luận