Cách hấp bánh bao không bị xẹp, cứng, nhăn hay vàng vỏ tối ưu nhất

6609 lượt xem

Bánh bao là món ăn dân dã quen thuộc với người Việt, có kết cấu tương đối đơn giản, với phần bột bánh phủ bên ngoài nhân thịt, miến, mộc nhĩ và nấm hương. Tuy nhiên, để làm ra được một chiếc bánh bao trắng, mịn và nở phồng khi hấp lại là một thách thức với những người chưa có nhiều kinh nghiệm. Những chia sẻ về cách hấp bánh bao không bị xẹp, cứng, nhăn hay vàng vỏ sau đây chắc chắn sẽ giúp ích nhiều cho bạn.

Nguyên nhân khiến bánh bao bị xẹp, cứng, nhăn

Muốn tìm được cách khắc phục thì đầu tiên chúng ta sẽ cần tìm ra căn nguyên. Vì thế, trước khi đến với cách hấp bánh bao không bị xẹp, cứng, nhăn và vàng, chúng ta nên hiểu rõ những lý do khiến mẻ bánh bao của bạn không được như mong muốn.

Dùng quá nhiều bột khiến bánh bao bị nhăn

Sai lầm này xuất phát ngay từ khâu chuẩn bị nguyên liệu. Việc sử dụng quá nhiều bột mì khiến cho bánh sau khi hấp xong và nguội bớt sẽ nhanh chóng bị xẹp xuống và xuất hiện các nếp nhăn ở trên vỏ. Tất nhiên là việc này không làm ảnh hưởng đến chất lượng của bánh khi thưởng thức, nhưng một chiếc bánh có hình thức không được bắt mắt chắc chắn sẽ khiến chúng ta cảm thấy không được thích thú khi nhấm nháp so với một chiếc bánh bao phồng to, căng mọng và mịn màng. Điều này ảnh hưởng đặc biệt lớn với những người đang kinh doanh bánh bao.

Dùng lượng bột quá nhiều
Sử dụng lượng bột mì quá nhiều khiến cho bánh bao bị nhăn

Ủ bột bánh quá lâu

Việc ủ bột bánh quá lâu thường là sai lầm dễ mắc phải nhất khiến cho bánh bị nhăn, xẹp và cứng. Thời gian chúng ta dùng để ủ bột càng lâu thì kết cấu của bột khi tạo hình bánh bao sẽ càng bị yếu đi. Vì thế nên khi đặt bánh vào bên trong nồi và tiến hành hấp, bánh sẽ nhanh chóng bị xẹp xuống. Khi bánh bị xẹp xuống, kết cấu của bánh thường sẽ bị kéo lệch sang một bên. Mặt trên của bánh sẽ to hơn bình thường, phẳng phiu và trên đó sẽ có những đường nhăn do việc bánh bị xẹp xuống. Thành phẩm như vậy chắc chắn không phải là điều mà chúng ta mong muốn.

Ủ bột quá lâu khiến bánh bao bị xẹp
Ủ bột quá lâu khiến bánh bao bị xẹp

Không làm mịn các bọt khí khi tạo hình cho bánh

Trong quá trình làm bánh bao, thường là khi nặn tạo hình bánh theo cách thủ công, sẽ thường xuất hiện các bong bóng khí hay bọt khí. Nếu như khi nặn bánh, bạn không chú ý mà bỏ qua việc làm mịn các bọt khí này, thì khi cho bánh vào trong nồi hấp, dưới tác động của nhiệt độ cao, các bọt khí này sẽ vỡ ra, khiến cho bánh bị nhăn.

Ngoài ra, bạn có thể để ý rằng nhiều nơi làm bánh bao sẽ có phần đầu bánh hơi được uốn nhọn lên. Khi bạn dùng tay để túm đầu bánh, thì sẽ có những đường rãnh nhăn xuất hiện ở trên bề mặt của bánh. Nếu bạn không dùng tay miết cho phẳng lại những đường nhăn này thì khi hấp, bánh phồng to lên, những đường nhăn này có thể nổi thành những đường lồi trên bề mặt, hoặc hõm sâu xuống và khiến cho bánh không có được vẻ ngoài bắt mắt.

Nhiệt độ khi hấp bánh quá cao hoặc thường xuyên bị thay đổi đột ngột

Việc để nhiệt độ quá cao cũng là một lý do phổ biến khiến cho bánh bao bị nhăn. Việc để nhiệt độ cao khiến cho bề mặt của bánh bị giãn nở một cách nhanh chóng, gây nên những nếp nhăn xấu xí trên vỏ ngoài. Vì thế, bạn nên để lửa ở mức trung bình để bột bánh nở đều và không làm xuất hiện các vết nhăn.

Nhiệt độ hấp bánh bao thay đổi đột ngột
Nhiệt độ hấp bánh bao thay đổi đột ngột cũng là một nguyên nhân khiến bánh bị nhăn

Ngoài ra, cũng cần hạn chế việc thay đổi nhiệt độ một cách đột ngột trong quá trình hấp bánh. Bạn có thể dễ dàng hình dung ra việc một chiếc bánh bao đang được cấp nhiệt để nở căng phồng, bỗng dưng bị cắt nguồn nhiệt một cách đột ngột, thì lẽ dĩ nhiên là chiếc bánh sẽ bị nguội đi, xẹp lại và các nếp nhăn sẽ xuất hiện trên bề mặt của bánh.

Tại sao hấp bánh bao bị vàng vỏ?

Những chiếc bánh bao khi được chế biến xong sẽ thường có màu trắng tinh của bột mì, nom rất đẹp mắt và kích thích vị giác. Vậy nhưng trong quá trình chế biến, nhiều người đã gặp phải tình trạng bánh bao hấp lên bị vàng vỏ, khiến chiếc bánh trông không còn được tự nhiên nữa. Thường thì sẽ có hai lý do để lý giải cho tình trạng này.

Nguyên nhân đầu tiên nằm ở khâu lựa chọn nguyên liệu. Một số loại bột mì hiện nay ở trong thành phần nguyên liệu có bao gồm cả trứng. Khi sử dụng loại bột này, sau khi hấp bánh bao bị vàng bởi phần lòng đỏ trứng đã hòa quyện vào bột mì gây nên. Vì thế, bạn sẽ cần phải đọc kỹ thành phần nguyên liệu của bột mì trước khi mua để làm bánh bao. Hoặc để yên tâm thì bạn có thể chọn loại bột bánh bao trộn sẵn, đảm bảo bánh sau khi hấp có được màu trắng đẹp đúng chuẩn. Đây là loại bột chuyên dụng, hoặc đã được cho thêm shortening hay phụ gia. Những loại bột mì chuyên dụng mà bạn có thể tìm thấy tại các cửa hàng cung cấp nguyên liệu làm bánh bao sẽ là loại Baker Choice 11 hay Meizan.

Nguyên nhân khiến bánh bao bị vàng
Một số nguyên nhân khiến bánh bao bị vàng

Ngoài ra, loại bột được bán tại các cửa hàng nguyên liệu bánh bao thường sẽ có sử dụng cả bột nở, vừa giúp bánh nở phồng đẹp mắt lại vừa khiến vỏ bánh khi hấp trắng hơn. Nhưng loại bột này không tốt cho sức khỏe, nên chúng tôi khuyên bạn không nên sử dụng các loại bột mì có thành phần bột nở. Thay vào đó, có thể sử dụng sữa để trộn với bột nhằm tạo độ trắng cho vỏ bánh. Một mẹo khác thường được các cửa hàng bán bánh bao sử dụng là dùng các chất phụ gia như nhũ hóa hay acid ascorbic để làm trắng vỏ bánh.

Nguyên nhân thứ hai lý giải tại sao bánh bao hấp lại bị vàng là ở kỹ thuật hấp bánh, đặc biệt thường xảy ra khi bạn hấp bánh trong nồi có xửng hấp. Nếu như bạn sử dụng loại nồi có vung kín thì khi hấp, hơi nước nóng bay lên sẽ ngưng tụ ở trên nắp vung nồi hấp. Đến khi lượng nước đủ nhiều để tạo thành giọt nước nặng, chúng sẽ rơi ngược trở lại trực tiếp vào chiếc bánh. Điều này không chỉ khiến cho bánh bị nhão ở phần vỏ tiếp xúc trực tiếp, mà còn làm cho vỏ bánh chuyển sang màu vàng. Do đó, giải pháp trong trường hợp này là sử dụng nắp vung nồi có lỗ thông hơi để có thể thoát được hơi nước khi hấp bánh. Hoặc khi bạn xếp bánh vào trong xửng hấp, chuẩn bị sẵn một chiếc khăn ẩm sạch và đặt lên trên mặt bánh. Đây chính là một cách hiệu quả thường được những người bán bánh bao sử dụng để hạn chế việc hơi nước bám vào bánh.

Một số cách hấp bánh bao không bị xẹp, nhăn, cứng hay vàng vỏ

Với những nguyên nhân đã nêu trên, thì bạn cũng có thể hình dung được cách hấp bánh bao không bị xẹp, bị cứng, bị nhăn hay vàng vỏ là tương đối đơn giản. Chỉ cần bạn chú ý trong một số công đoạn là hoàn toàn có thể phòng tránh được.

Lựa chọn nguyên liệu kĩ càng

Như đã trình bày ở phần nói về việc bánh bao hấp bị vàng ở trên, thì việc lựa chọn nguyên liệu, mà cụ thể ở đây là bột bánh bao, sẽ là yếu tố quan trọng quyết định xem chất lượng thành phẩm của bạn ra sao. Lời khuyên của chúng tôi là bạn nên lựa chọn loại bột mì đa dụng có chất lượng cao, được nhiều người đánh giá tốt và nên chọn loại bột mì mới được sản xuất. Trong trường hợp bạn chưa có kinh nghiệm chọn bột, và muốn có được thành phẩm đẹp mắt với màu trắng đẹp, thì bạn có thể sử dụng các loại bột bánh bao trộn sẵn được bày bán tại các cửa hàng cung cấp nguyên liệu làm bánh.

Lưu ý chọn nguyên liệu chất lượng
Lưu ý chọn nguyên liệu chất lượng

Chú ý đến thời gian ủ bột bánh

Đảm bảo rằng thời gian ủ bánh được canh đúng chuẩn sẽ là điều mà bạn cần tuân thủ chặt chẽ để thực hiện cách hấp bánh bao không bị xẹp, nhăn, cứng hay vàng vỏ. Việc ủ bột cho bánh cần được đảm bảo thực hiện từ 1 đến 2 giờ trước khi tiến hành nặn bánh. Khoảng nghỉ này sẽ là thời gian cần thiết để giúp cho bột được nở ra và trắng hơn. Cụ thể cách ủ bột như sau: Sau khi bột đã được nhào xong, bạn chuẩn bị một thau inox và đặt cục bột vào. Sử dụng màng bọc thực phẩm hoặc khăn vải sạch để phủ lên phần bột và ủ như vậy ở nhiệt cao. Hiện tại, công đoạn ủ bột tại các cơ sở sản xuất đã chuyển sang thực hiện bằng các loại tủ ủ bột, vừa kiểm soát tốt điều kiện không khí, nhiệt độ, lại vừa có thể cài đặt thời gian ủ bột như ý muốn của người sử dụng, tránh để xảy ra tình trạng bột tiếp xúc không khí gây khô cứng bột hay việc bột bị ủ lâu gây chua.

=> Xem thêm: Quy trình sản xuất bánh bao từ A đến Z đầy đủ nhất

Những lưu ý trong quá trình hấp bánh

Giai đoạn hấp bánh cũng đóng vai trò cực kì quan trọng quyết định đến chất lượng mẻ bánh bao của bạn. Và để hoàn thiện cách hấp bánh bao không bị xẹp, cứng, vàng hay nhăn thì bạn hãy note ngay lại những yêu cầu sau đây khi hấp bánh bao:

  • Một mẹo để thực hiện cách hấp bánh bao không bị vàng vỏ là cho khoảng 2 thìa giấm trắng vào trong nồi hấp bánh
  • Bạn không nên cho bánh vào xửng/nồi trước rồi mới cho lên bếp đun. Hãy đun để nước trong nồi sôi lên rồi mới đặt bánh vào xửng hấp. Lý do là bởi lúc này nhiệt độ bên trong nồi đã đạt ngưỡng ổn định, và bánh khi cho vào sẽ được duy trì nấu hấp trong điều kiện nhiệt ổn định, tránh xảy ra tình trạng nhăn, cứng hay xẹp, nở không đều
  • Thời gian hấp bánh bao lý tưởng là từ 20 đến 25 phút, có thể thay đổi tùy theo độ lớn của bánh. Tránh hấp bánh quá lâu có thể khiến cho bánh bị nhão do ngấm nước
  • Như đã nói ở trên, nên chuẩn bị một chiếc khăn ẩm sạch đậy lên mặt những chiếc bánh để tránh hơi nước ngưng tụ trên nắp nồi nhỏ xuống gây nhão bánh bao

Vậy là bạn đã cùng Bảo Việt khám phá nguyên nhân và cách hấp bánh bao không bị xẹp, cứng, nhăn hay vàng vỏ. Chúng tôi mong rằng với những gợi ý đã nêu, bạn sẽ có thể hoàn thiện được những mẻ bánh bao thơm ngon để tự tay chế biến tại nhà hoặc nghĩ đến việc kinh doanh món ăn sáng quen thuộc này. Và nếu bạn muốn kinh doanh loại bánh này, hãy trang bị ngay cho mình một chiếc tủ trưng bày bánh bao mã hiệu HX-500H để đảm bảo món bánh của bạn luôn được giữ nóng khi trưng bày nhé.

Đừng quên chia sẻ các bài viết nhé!

Xin chào, tôi là Linh Phùng, chuyên gia về máy chế biến - bảo quản thực phẩm, đồng thời là một người có niềm đam mê ẩm thực. Được thực hiện, áp dụng các công thức chế biến độc đáo và sử dụng các thiết bị hiện đại để giúp các đầu bếp thực hiện các món ăn ngày càng nhanh chóng và hấp dẫn hơn chính là khao khát lớn nhất của tôi
""

Tìm thêm

Trả lời